Từ khi thành lập đến nay (2017), Trung tâm Chăm sóc và Giáo dục Mầm non OneSky (ELC) đã có quan tâm đến rác thải và đang thực hiện các hoạt động như hạn chế sử dụng bao nilon, tái chế chất thải hữu cơ làm phân bón, bán ve chai các loại chất thải rắn có thể tái chế, sử dụng vỏ hộp sữa và một vài loại chai nhựa để làm đồ trang trí phòng học và đồ chơi cho trẻ, v.v. Tuy nhiên, là một trường mầm non có giữ trẻ (từ 6 tháng tuổi), mỗi ngày Trung tâm ELC đã thải ra môi trường một lượng rác không nhỏ. Trong lần kiểm toán rác ngày 6 tháng 3 vừa qua, tổng lượng chất thải mà nhà trường thải ra là 735kg, trong đó có 573kg là chất thải hữu cơ, 6,2kg chất thải rắn có thể tái chế và 156kg các chất thải khác. Ngoài toàn bộ chất thải rắn có thể tái chế được bán cho ve chai hoặc tái sử dụng để làm đồ chơi, một phần nhỏ rác hữu cơ được làm phân bón thì hầu hết các loại chất thải còn lại đều là rác được đưa ra bãi chứa mỗi ngày. Các loại rác này bao gồm: vỏ hộp sữa, vỏ hộp sữa chua, bao nilon đựng thực phẩm từ nhà cung cấp, rác nhà bếp sau sơ chế, lá cây và bỉm.
Các nhân viên, giáo viên tại ELC tham gia kiểm toán rác nhà trường đã thải ra
Lượng rác nhựa chiếm nhiều nhất tại ELC
Nhận ra rác thải là vấn đề nhà trường cần giải quyết, ban giám đốc ELC đã chủ động tiếp cận với CAB và hôm nay, 27/3/2021 sự kiện truyền thông về Trường học không rác nhằm tăng cường nhận thức, đã diễn ra với sự tham gia của hơn 70 cán bộ – nhân viên nhà trường.
Quang cảnh buổi thảo luận tìm giải pháp thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần tại trung tâm
Sau khi tìm hiểu Trường học không rác là gì, Vì sao phải thực hành trường học không rác thì các cán bộ nhân viên nhà trường đã thảo luận làm thế nào để thực hành Trường học không rác trong bối cảnh nhà trường với 252 trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi. Nhiều giải pháp đã được đề cập và thảo luận sôi nổi như có nên chuyển sang mua sữa loại đóng gói 1 lít thay cho loại sữa 180ml đang dùng? có nên làm sữa chua cho sẽ ăn thay vì mua sữa chua công nghiệp? có nên bỏ rác khác vào thùng rác và đổ ra thu gom sau đó rửa thùng rác mà không cần phải lót bao nilon? ….Cán bộ – nhân viên nhà trường đã đưa ra các ưu – khuyết cho mỗi giải pháp trong thời điểm hiện tại. Sau cùng một số giải pháp khả thi có thể nhà trường sẽ áp dụng sớm như: đàm phán với nhà cung cấp thực phẩm để sử dụng các loại đóng gói có thể dùng nhiều lần, tự làm men vi sinh để tái chế toàn bộ rác hữu cơ, dặn phụ huynh đem túi vải để đựng áo quần cho trẻ, tiếp khách bằng nước nấu thay vì mua chai đóng sẵn, cán bộ nhân viên sẽ mang theo chai đựng nước hoặc hộp để mua nước uống hoặc quà vặt khi cần, tập cho trẻ lớn đi vệ sinh trong bồn cầu để giảm thay bỉm,v.v… Những giải pháp khác có liên quan nhiều đến chính sách mua sắm, nhân sự và tài chính, nhà trường cần thời gian để cân nhắc và áp dụng nếu có thể.
Các giáo viên, nhân viên ELC thảo luận để bàn giải pháp thay thế
Tái chế rác nhà bếp, rác lá cây sân trường là giải pháp khả thi nhất nên được áp dụng đầu tiên. Cán bộ – nhân viên nhà trường đã rất hào hứng tham gia buổi thực hành làm men vi sinh bản địa (IMO) để xử lý rác hữu cơ. Ngoài ra, làm nước tẩy rửa thân thiện với môi trường từ vỏ trái cây và trái bồ hòn cũng được các anh chị em quan tâm rất nhiều. Cuối buổi trải nghiệm, những câu hỏi về cách sử dụng và địa chỉ mua các nguyên liệu đã được hỏi không ngớt !
Hướng dẫn thực hành làm men vi sinh bản địa IMO để tái chế rác hữu cơ
Nhờ sự năng động của cán bộ nhân viên ELC, gần 3 tiếng đồng hồ làm việc về một nội dung tưởng chừng không mấy hay ho đã trở nên thú vị với tất cả và không ai muốn nghỉ dù dưới trời nắng nóng! Thực hành các thay đổi trên, nghĩa là các bạn sẽ phải “thêm việc” vào khối lượng công việc sẵn có vốn đã không ít sẽ là một thách thức lớn cho cán bộ – nhân viên nhà trường! Tuy nhiên vì sức khoẻ cho bản thân chúng ta và con cháu hiện nay, vì một môi trường sạch cho các thế hệ mai sau, chúng tôi vô cùng biết ơn các bạn đã muốn thay đổi và chắc chắn các bạn sẽ làm được.
Hướng dẫn thực hành làm nước tẩy rửa thân thiện với môi trường
Ngày 01/4/2021_Trần Đăng Trung